Review Từng nốt nhạc ngân

Review Từng nốt nhạc ngân

Quyển sách này đánh thức nỗi sợ lớn nhất của mình là có tất cả rồi bỗng mất hết tất cả, và những ràng buộc về tình cảm gia đình, hôn nhân mà ta ko thể nào tránh được. Một ngày nào đó, khi ta đang ở đỉnh cao và tưởng như đã có mọi thứ, bỗng mất hết tất cả vì một căn bệnh quái ác, thì ta phải đối mặt với cái gì? Sụp đổ tuyệt vọng oán trách số phận là một nhẽ, hẳn ta cũng sẽ dằn vặt vì mình bỗng thành vô dụng, thành gánh nặng cho người thân. Có ai muốn cuộc đời giáng cho mình một bi kịch như vậy chứ?

Một ngôi sao bóng đá sẽ thế nào nếu mất đi đôi chân, một nghệ sĩ nhiếp ảnh mất đi đôi mắt, một đầu bếp siêu sao không còn nếm hay ngửi thấy hương vị gì nữa. Và một nghệ sĩ piano trên đỉnh vinh quang với các tour diễn khắp nơi sẽ thế nào, nếu đôi tay tài hoa không còn lướt trên những phím đàn để chơi những bản cổ điển mà anh yêu thích và dành cả cuộc đời, thậm chí gạt cả vợ và con gái qua một bên, để theo đuổi?  Richard, nghệ sĩ piano đầy kiêu hãnh, đã bị ASL, chứng xơ cứng teo cơ, cướp đi mọi thứ như thế.

Đầu tiên là tay phải. Các ngón tay bắt đầu vô dụng. Rồi tay trái. “Từng nốt nhạc ngân lên đều mang tính sống còn”. Ngày anh không thể chơi đàn nữa là khi mọi thứ kết thúc. Nhưng còn tệ hơn, Richard sẽ ngày thêm tê liệt, sẽ mất các cơ bắp, giọng nói, đến mức không thể tự chăm sóc mình và phải dùng máy trợ thở. Đó là khi Richard buộc phải để vợ cũ mà mình đã ly dị chăm sóc. Richard ngoại tình, cản bước Karina theo con đường âm nhạc mà cô mong muốn. Karina từ chối cho Richard một đứa con trai. Liệu trở về bên nhau sẽ là dịp để hai người hàn gắn, dù là trong khoản thời gian hữu hạn Richard còn được là “một sinh vật biết cử động trên hành tinh này”?

Dù biết ở ngoài nói sao cũng được, nhưng mình không thích Karina và nghĩ cô hoàn toàn có thể làm tốt hơn thay vì loay hoay với sự buộc tội và tha thứ. “Karina tự vẽ chân dung mình như một nạn nhân mắc kẹt trong cuộc hôn nhân tồi tệ bởi những giáo điều nhà thờ mà từ lâu cô đã không còn tin như vẫn tuân theo, kèm theo đó là muôn vàng lý do tự dây thép gai mà chính cô tự đặt ra.” Cô cẩn thận xây dựng đời mình, ổn định với nghề giáo, một cách đảm bảo không ai có thể “khiến cô căng não hoạt đẩy cô ra khỏi vùng an toàn”. “Sự hiện diện của anh chưa bao giờ là thuốc giải cho sự cô đơn của cô”. Nhưng cô vẫn chấp nhận việc mang chồng cũ về nhà chăm sóc, chỉ vì nó mang đến cho cô việc gì đó hữu ích để làm. “Phải chăng cô thực sự chỉ còn hai lựa chọn – sống cùng Richard hoặc cùng nỗi trống trải?”.

Mình sẽ recommend quyển này vì tài kể chuyện và mô tả thần sầu của tác giả, một nhà khoa học thần kinh. Những nỗi đau, chán chường, tuyệt vọng, thậm chí tự mỉa mai, thật không thể thật hơn. Cay đắng nào bằng khi nghĩ đời mình sẽ còn ngắn hơn hạn sử dụng của hũ mứt trước mặt mà chỉ không lâu sau nữa ta không đủ sức để mở nắp nó ra? Và chúng ta biết gì về ASL? Phong trào #icebucketchallenge đổ xô nước đá lên đầu để kêu gọi nhận thực về chứng bệnh này nhưng dù chúng ta có biết và đọc bao nhiêu về nó cũng không thể hình dung được nó thực sự khủng khiếp đến mức nào. Tác giả đã gặp rất nhiều bệnh nhân ASL và chuyển hóa được hết những nỗi đau của họ vào trang sách.

Ngoài chuyện bệnh tật, tác giả cũng khai thác rất hay đề tài hôn nhân gia đình, chuyện con cái, sự phản bội và tha thứ, hòa giải. Những kỳ vọng về hôn nhân và con cái, như Richard muốn làm một người cha tốt hơn cha mình, hay chuyện một người phải gác sự nghiệp để mở lối cho người kia. Những “chuyện không của riêng ai”. Mình mượn ý trong phần mô tả quyển này bằng tiếng Anh trên Goodreads, quyển sách này “khai phá tài tình sự cứu chuộc và ý nghĩa của việc tìm an yên trong tâm hồn từ sự tha thứ”. nhưng nó làm mình suy nghĩ và lo sợ quá nhiều.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *