Review Người minh họa – Ray Bradbury

Review Người minh họa – Ray Bradbury

Ray Bradbury, người đã hình dung ra cái viễn tưởng phản địa đàng trong “451 độ F”, khi sách trở thành hàng cấm và có lực lượng chuyên săn lùng và đốt sách, còn con người thì chìm đắm trong âm thanh phát ra từ những “vỏ sò” nhét tai – chẳng khác gì AirPods ngày nay, sẽ viết gì nếu phải kể thêm 18 câu chuyện tương tự như thế nữa? 

Câu trả lời có trong Người minh họa: đó sẽ là những câu chuyện về các viễn cảnh tương lai khác nhau, khi du hành không gian thành chuyện bình thường, thậm chí có thể trở về quá khứ, và con người có nhiều phát minh không tưởng khác.

Trên cái nền thế giới tương lai với sự tiến bộ của công nghệ đó, tác giả xoáy sâu vào con người – họ nghĩ gì khi cuộc sống thừa thãi công nghệ, họ mường tượng về thế giới mình chưa biết như thế nào, họ sẽ hành xử ra sao khi cận kề cái chết, họ sẽ nghĩ gì về tình cảm gia đình, vợ chồng, cha con?


Người minh họa trong tựa sách thật ra chỉ là một cái cớ tài tình để tác giả kể chuyện về tương lai. Đó là một người đàn ông từng làm trong một hội chợ, có cơ thể xăm kín với nhiều hình minh họa có thể chuyển động và kể những câu chuyện khác nhau. Người minh họa chỉ xuất hiện ở đầu và cuối tác phẩm, khi tương tác với người dẫn chuyện, và toàn bộ phần sau là mỗi câu chuyện được kể, tất cả đều xoay quanh những băn khoăn trong thời tác giả đang sống, tức những năm 1950, khi thế chiến thứ 2 kết thúc chỉ 5 năm: bom hạt nhân, vũ khí hóa học, điêu tàn…
Và có mặt trong nhiều truyện hơn cả là đề tài du hành , khi con người có thể đến sao Hỏa, sao Kim… Khi nói đến thám hiểu không gian, Bradbury dường như đặc biệt yêu thích sao Hỏa. Hỏa tinh trong chuyện của Bradbury vừa là nơi con người chinh phạt (Những quả cầu lửa) hay bị chinh phạt (Máy trộn bê-tông), vừa là nơi cách ly của những người Địa cầu bị bệnh hiểm nghèo (Vị khách) và là một miền đất hứa mới của người da màu để tránh xa những kẻ da trắng phân biệt chủng tộc (Hoán đổi).
Phải 8 năm sau khi sách xuất bản, tức năm 1959, con người mới đặt chân lên Mặt trăng, nhưng tác giả đã kể rất tài tình – như thể mô tả hiện tại chứ không phải hình dung về tương lai – về những chuyến du hành vũ trụ kéo dài 3 tháng, những phi hành gia lạc trôi trong không gian, làm nhiệm vụ trên Hỏa tinh hay tìm đến các hành tinh để chinh phạt…
Còn công nghệ trong trí tưởng tượng vượt thời gian của Bradbury thì sao? Đó là một ngôi nhà tự làm mọi thứ cho ta, là những con robot như người thật, thậm chí biết yêu và toan tính; hay đủ loại máy móc để chính trẻ con cũng “không muốn làm gì khác ngoài nhìn, nghe và ngửi”, là tên lửa mô phỏng với thực tế ảo khiến người ngồi trong tưởng như đang thực sự du hành vũ trụ, hay một buồng trẻ “nắm bắt được các tín hiệu ngoại cảm từ tâm trí bọn trẻ và tạo ra sự sống để đáp ứng mọi mong ước của chúng”. 

Cái tương lai của tác giả chính là hiện tại của chúng ta ngày nay. Mượn tấm lưng đầy hình minh họa của “người minh họa”, và cái vỏ , Bradbury chạm tới muôn vấn đề của con người, từ tác hại của lạm dụng công nghệ đến sức khỏe tâm thần, phân biệt chủng tộc, lựa chọn của mỗi người trước chiến tranh, sự nổi dậy của robot, chiến tranh và sự chinh phạt…
Đây là những lời thoại được viết ra gần 60 năm trước và nó một lần nữa khẳng định cái tầm nhìn vượt thời gian của Bradbury. “Chúng tôi ngồi trên chiếc đu máy ngoài hiên, nó đu đưa cho chúng tôi, phả gió mát cho chúng tôi, hát cho chúng tôi nghe (…) bố đọc báo điện tử cài vào chiếc mũ đặc biệt đội trên đầu, chiếu từng trang báo nhỏ xíu trước ống kính phóng đại nếu ta chớp mắt ba lần liên tiếp”. “Chúng ta đã quẩn quanh trong cuộc sống máy móc, điện tử quá lâu rồi. Chúa ơi, chúng ta cần một làn không khí thực biết bao!”.
Mình không biết viết phần kết cho review này thế nào. Mình đã không hề biết đây là tập truyện ngắn cho đến khi bắt đầu đọc nó, chỉ mua vì biết nó là của tác giả “451 độ F”. Các truyện đều độc lập với nhau, gọn gàng và luôn có cái kết bất ngờ. Từng truyện có thể mang ra đọc lại trong nhiều thời điểm khác nhau, nhất là rất nhiều tưởng tượng của tác giả đã, và có thể là sẽ, thành sự thật.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *